Thành lập và chiến dịch Tương - Vệ Ngụy Bác quân tiết độ sứ

Bài chi tiết: Điền Thừa Tự

Tiết độ sứ đầu tiên của Ngụy Bác là Điền Thừa Tự (705 - 779). Gia tộc họ Điền xuất thân từ Bình châu, nhiều thế hệ phục vụ cho triều đình nhà Đường. Khi loạn An Sử nổ ra, Điền Thừa Tự phục vụ cho chính quyền Yên. Năm 763, khi nhà Đường trung hưng, chính quyền Yên đứng trên bờ vực của sự diệt vong, Điền Thừa Tự dâng đất Mạc Châu[4] đầu hàng triều đình, bắt hoàng thái hậu, hoàng hậu cùng các con của vua Yên Sử Triều Nghĩa nộp cho nhà Đường. Không lâu sau loạn An Sử kết thúc.

Đường Đại Tông do thấy đất nước loạn lạc đã lâu, nên theo lời sàm tấu của Phốc Cố Hoài Ân, không hỏi gì đến tội của các tướng cũ Đại Yên đã quy hàng, vẫn cho họ trấn nhậm ở những châu quận Hà Bắc. Đó là các tướng Điền Thừa Tự cùng Lý Bảo Thần (nguyên tên là Trương Trung Chí), Tiết Tung. Điền Thừa Tự được nhà Đường phong làm Tiết độ sứ Ngụy Bác, lãnh thổ ban đầu gồm ngũ châu Ngụy, Đức[5], Bác, Doanh[6], Thương[7].

Điền Thừa Tự ở Ngụy Bác, tuy bên ngoài vẫn nhận lệnh triều đình, nhưng bên trong ngấm ngầm tập hợp lực lượng, mưu đồ li khai. Ông sắm sửa quân khí, chiêu tập binh mã, xét hộ khắc, bắt đinh tráng vào lính, chỉ trong vài năm đã có hơn 100.000 quân, trong đó lại tuyển ra những trai tráng khỏe mạnh nhất khoảng 10.000 người làm nha binh có nhiệm vụ bảo vệ cho mình. Còn tự bổ dụng quan lại trong lãnh địa, hộ khẩu không báo lên triều, thuế má không nộp cho triều đình, tuy xưng là phiên thần nhưng đã không còn giữ lễ bề tôi. Mấy năm tiếp theo, Điền Thừa Tự còn cho xây miếu thờ bốn hoàng đế của Ngụy Yên, vua Đại Tông thuyết phục ông xóa bỏ miếu đó, ông nghe theo. Triều đình nhà Đường chẳng biết làm gì, lấy việc đó coi như Thừa Tự lập công và phong cho ông tước quận vương.

Năm 773, Tiết độ sứ Chiêu Nghĩa[8] Tiết Tung qua đời. người em là Tiết Ế tự lập lên thay. Nhân đó, tháng 1 năm 775, Điền Thừa Tự dụ tướng lại ở đấy làm phản. Được Thừa Tự khuyến khích, tướng Bùi Chí Thanh đuổi Ế rồi đi theo Thừa Tự. Thừa Tự lại đưa quân thân tín tiến công vào Tương châu và Bôn châu thuộc trấn Chiêu Nghĩa, giả xưng là ứng cứu. Đại Tông sai sứ đến bảo Thừa Tự không nên gây chiến nhưng Thừa Tự không nghe, còn sai tấn công các châu Bôn, Vệ, Tương..., chiếm được ba vùng Cứ, Tương, Vệ. Trấn Ngụy Bác khi đó được mở rộng lên thành chín châu: Ngụy, Bối, Bác, Tương, Vệ, Thiền, Thương, Bôn, Từ; đây là lúc lãnh địa Ngụy Bác mở rộng tới cực đại.

Do có mâu thuẫn từ trước nên vào năm 775, hai Tiết độ sứ Lý Bảo Thần ở Thành Đức và Lý Chánh Kỉ ở Tri Thanh[9] dâng biểu xin thảo phạt Ngụy Bác, được triều đình ủng hộ. Điền Thừa Tự dùng kế li gián, dâng Thương châu cho Lý Bảo Thần và đề nghị cùng tấn công Chu Thao ở Phạm Dương song không thành công. Thấy Lý Bảo Thần lại liên minh với Điền Thừa Tự, nên nhà Đường buộc phải xá tội cho ông. Chiến dịch kết thúc, tuy Điền Thừa Tự mất đi 2 châu Từ, Thương nhưng đã khẳng định sự độc lập với chính quyền trung ương. Năm 776, Tiết độ sứ Biện Tống[10] Điền Thần Ngọc hoăng,, tướng dưới quyền Lý Linh Diệu tự xưng là Tiết độ sứ kế nhiệm mà không có sự chấp thuận của triều đình. Điền Thừa Tự sai Điền Duyệt đem quân đến giúp đỡ Lý Linh Diệu nhưng cuối cùng thất bại.